Hội chứng tiền mãn kinh ở phụ nữ

tiền mãn kinh

Khi đến gần 50 tuổi, nhiều phụ nữ sẽ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh với những triệu chứng khó chịu cho cả bệnh nhân và người thân ở bên cạnh. Bài viết này chỉ ra các triệu chứng tiền mãn kinh và cách chữa trị hiệu quả.

Tiền mãn kinh và mãn kinh là gì?

Là giai đoạn mà buồng trứng giảm hoạt động dần dần, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt bất thường. Thông thường, chu kỳ kinh nghiệm sẽ bất thường trong vài tháng, sau đó trở lại bình thường trong vài tháng trước khi dứt hẳn hoàn toàn (mãn kinh). Lưu ý là lúc này vẫn có thể có thai mặc dù chu kỳ bất thường. Đa số phụ nữ sẽ mãn kinh vào lúc 50 tuổi, mặc dù có một số phụ nữ sẽ mãn kinh sớm hay trễ hơn, trong khoảng từ 45 đến 55 tuổi.

Các triệu chứng hay gặp trước và sau khi mãn kinh hoàn toàn

Tùy vào mỗi người mà triệu chứng có thể khác nhau và mức độ nặng nhẹ khác nhau. Các triệu chứng hay gặp là

  • Toàn thân: nóng bừng, ớn lạnh, đổ mồ hôi, nhức mỏi cơ bắp, đau khớp
  • Khó ngủ, ngủ không ngon, ngủ không đủ giấc
  • Thay đổi tâm trạng, mau vui buồn, dễ giận
  • Khô và teo cơ quan sinh dục (âm đạo, vú), giảm chất lượng quan hệ tình dục
  • Tăng cân, giảm cân, và chuyển hóa chậm
  • Ăn uống không ngon hay ăn nhiều hơn

Nguyên nhân mãn kinh

Thiếu/giảm hormone

Hormone Estrogen/Progesterone là những hormone quan trọng trong cơ thể phụ nữ, đây là hormone “sắc đẹp” vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến làn da, vóc dáng, và tâm sinh lý phụ nữ.

Khi đến tuổi 30, buồng trứng phụ nữ bắt đầu tạo ít hormone estrogen/progesterone, dẫn đến khả năng mang thai và sinh sản giảm đi. Đến năm 40 tuổi, các chu kỳ kinh nghiệm có thể kéo dài hơn, kinh nhiều hơn hoặc vòng kinh ngắn đi. Đến năm 50 tuổi, buồng trứng ngừng sản xuất trứng và quý phụ nữ bắt đầu vào giai đoạn mãn kinh.

Cắt tử cung

Cắt tử cung và buồng trứng thường gây mãn kinh sớm trong khi chỉ cắt tử cung và giữ lại buồng trứng có thể giúp bệnh nhân bị chậm mãn kinh hơn. Khi cắt tử cung, quý phụ nữ sẽ không còn kinh nguyệt nhưng vẫn có thể còn hormone (do còn buồng trứng), và vì vậy triệu chứng tiền mãn kinh sẽ ít bị hơn.

Lưu ý là với bệnh nhân cắt bỏ cả tử cung và buồng trứng thì khả năng bị nóng bừng (bốc hỏa), và các triệu chứng mãn kinh khác có thể nghiêm trọng hơn vì sự thay đổi nội tiết đột ngột.

Hóa trị và xạ trị

Một số phụ nữ mắc bệnh ung thư hay các bệnh tự miễn có thể mãn kinh sớm hơn do ảnh hưởng của những liệu pháp trị liệu này. Hóa trị và xạ trị có thể làm ảnh hưởng đến nội tiết tố, dẫn đến buồng trứng không hoạt động trong lúc hay sau khi trị liệu ung thư hay các bệnh tự miễn. Các triệu chứng mãn kinh do trị liệu hóa trị và xạ trị giống như các triệu chứng mãn kinh khi đến 50 tuổi.

Nhiều phụ nữ có thể hồi phục lại kinh nguyệt sau khi trị liệu.

Suy giảm buồng trứng sớm

  • Một số ít phụ nữ bị mãn kinh trước tuổi 40 do suy giảm buồng trứng (thường xảy ra chỉ ở 1% phụ nữ). Lý do buồng trứng suy giảm có thể từ buồng trứng (nguyên phát) hay có thể do lý do khác ảnh hưởng đến buồng trứng (thứ phát). Các bệnh hay gặp là bệnh miễn dịch, di truyền, hay không có lý do nào. Bệnh nhân suy giảm buồng trứng thường cần hormone trị liệu ít nhất cho đến khi 50 tuổi nhằm bảo vệ xương (bị loãng), tim mạch và các bệnh lý khác.

Khi nào gặp BS

  • Các triệu chứng trên kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, cuộc sống khó chịu, và khiến người xung quanh (chồng con) cảm giác khó khăn
  • Chảy máu âm đao sau khi mãn kinh là một triệu chứng nguy hiểm vì có thể liên quan đến ung thư nội mạc tử cung. Quý phụ nữ cần phải gặp BS ngay nếu bị chảy máu dù đã hết kinh nguyệt.

Cách chữa trị

Hiện nay có nhiều cách chữa trị triệu chứng mãn kinh, tùy vào mỗi bệnh nhân, độ nặng nhẹ của triệu chứng mà BS có cách chữa khác nhau. Dưới đây là các cách thường dùng chữa trị mãn kinh.

Uống thuốc hormon trị liệu thay thế (Hormone Replacement Therapy)

Đây là cách trị hiệu quả nhất mặc dù cách này có những tác dụng phụ nguy hiểm như tăng rủi ro một số loại ung thư (xem phân tích kỹ phần dưới) mặc dù thuốc này có thể làm giảm rủi ro một số ung thư khác. Điểm quan trọng của thuốc này là nên dùng liều ít nhất và trong thời gian nhất và tùy vào mỗi bệnh nhân mà sử dụng loại thuốc khác nhau. Nếu bệnh nhân còn tử cung thì BS sẽ kê toa có 2 loại hormone Estrogen và Progestin. Nếu bệnh nhân đã cắt tử cung thì chỉ cần Estrogen.

Bệnh nhân bị ung thư vú hoặc đã có tiền sử bị ung thư vú không nên sử dụng HRT. Các nghiên cứu chỉ ra dùng hormon trị liệu có thể giảm các triệu chứng của mãn kinh (1) như nóng lạnh (bốc hỏa), khô âm đạo, khó quan hệ, trầm cảm, hay tính tình thất thường.

Dùng kem Estrogen âm đạo

Cách này dùng keo, vòng bôi trơn, hay viên đặ để tăng độ ẩm ướt và bôi trơn âm đạo, tăng khả năng quan hệ, và ít có rủi ro tăng ung thư vú như uống thuốc. Hạn chế của cách này là chỉ cải thiện các vấn đề liên quan đến vùng âm đạo còn các triệu chứng nóng lạnh (bốc hỏa) hoặc tính tình nóng nảy thì vẫn không cải thiện.

  1. Thuốc chống trầm cảm liều thấp (Anti-depression) họ SSRI, Venlafaxine (Effexor XR), Paroxetine (Paxil, Pexeva), Citalopram (Celexa), Escitalopram (Lexapro) có thể làm giảm triệu chứng nóng lạnh và tính tình thay đổi. Dùng thuốc trầm cảm liều thấp có thể thay thế dùng hormon với những phụ nữ có rủi ro ung thư cao hoặc cần thuốc ổn định tính tình.
  2. Thuốc giảm đau thần kinh Gabapentin (thường dùng trong chữa trị đau nhức) cũng có thể hiệu quả trong chữa trị mãn kinh. Thường Gabapentin dùng cho phụ nữ không thể dùng HRT và hay bị nóng lạnh hằng đêm.
  3. Thuốc huyết áp Clonidine liều thấp có thể giúp chữa triệu chứng nóng lạnh hằng đêm. Lưu ý không dùng với bệnh nhân bị hay bị tụt huyết áp.
  4. Các thuốc khác ngăn ngừa và chữa trị loãng xương. BS sẽ theo dõi và tìm ra các rủi ro bị loãng xương và chữa nếu cần thiết.
  5. Thực phẩm chức năng chữa trị mãn kinh.

Các nghiên cứu chỉ ra rất ít hiệu quả thật sự của thực phẩm chức năng trong chữa mãn kinh (2) như đậu nành, nhân sâm, và mao lương (Black Cohosh). Trong đó, mao lương được xem là có hiệu quả và an toàn nhất trong các loại thực phẩm chức năng để chữa các triệu chứng nóng lạnh và tính tình thay đổi. Cần thêm các nghiên cứu khác để chỉ ra hiệu quả thực sự của thực phẩm chức năng trong việc chữa trị tiền mãn kinh.

Rủi ro ung thư khi dùng Hormone Replacement Therapy (HRT)

Đây là chủ đề tranh cãi nhiều nhất khi bàn về trị liệu hormon với bệnh mãn kinh (HRT). Chuyện bắt đầu từ những năm 1940s, khi trị liệu hormon mới ra đời đã nhanh chóng cải thiện triệu chứng tiền mãn kinh. Đến năm 1960s, trị liệu hormon đã trở nên phổ biến. Đến năm 1990s (cách đây 30 năm), hai nghiên cứu nổi tiếng là Women’s Health Initiative, WHI (đối chứng ngẫu nhiên) tại Mỹ và Million Women Study (nghiên cứu quan sát) tại Anh bắt đầu thực hiện, và công bố kết quả năm 2002 và 2003 (3). Những nghiên cứu WHI và MWS này chỉ ra 2 điều: Dùng HRT lâu dài có thể tăng rủi ro bị ung thư vú (HR = 1.26) và có thể tăng rủi ro bệnh tim mạch (HR = 1.29) trong khi giảm rủi ro ung thư ruột (HR = 0.63) và giảm rủi ro ung thư nội mạc tử cung (HR = 0.83). Lưu ý là HR (Hazard Ratio) cao hơn 1 nghĩa là tăng rủi ro và thấp hơn 1 là giảm rủi ro.

2 nghiên cứu này tạo ra rất nhiều quan ngại về sử dụng HRT và truyền thông đã thổi phồng dùng HRT đồng nghĩa với ung thư. Vì vậy, dùng HRT giảm hẳn đi những năm sau đó. Tuy nhiên, nghiên cứu WHI có rất nhiều điểm cần phân tích kỹ như bệnh nhân là người Mỹ, tuổi trung bình là 63 và thừa cân (BMI 29, đã là rủi ro cao cho ung thư), và không thể đại điện cho đa số phụ nữ lúc mãn kinh là 50 tuổi, không bị thừa cân, và dùng HRT có thể giảm rủi ro một số loại ung thư.

Đến năm 2020, cũng là nghiên cứu WHI công bố (4), nhưng rủi ro bị ung thư vú giảm hẳn với bệnh nhân dùng HRT kết hợp estrogen+progestin, đặc biệt là giảm nhiều sau 3 năm sau khi bệnh nhân ngưng dùng HRT. Trong khi đó, bệnh nhân chỉ dùng Estrogen HRT lại giảm rủi ro ung thư vú đến 20%, và sau đó rủi ro trở lại bình thường khi bệnh nhân ngưng thuốc. Với bệnh tim mạch, các nghiên cứu sau này chỉ dùng HRT có thể giảm rủi ro bệnh tim mạch (với HRT chỉ có Estrogen) trong khi các nghiên cứu khác chỉ ra dùng HRT có thể tăng rủi ro tim mạch. Bệnh viện Mayo Clinic chỉ ra rủi ro tăng bệnh tim mạch khi dùng HRT là rất thấp (5). Lưu ý là rủi ro tăng bệnh tim mạch do nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác, dinh dưỡng, và vận động.

Năm 2017, Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ (North American Menopause Society) và hơn 20 tổ chức chuyên khoa tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới và bệnh viện lớn tại Mỹ (Mayo Clinic) đều khuyên dùng HRT khi cần thiết và nên dùng trong thời gian ngắn nhất có thể với bệnh nhân ít hơn 60 tuổi và không có chống chỉ định (6,7). Dù vậy, dùng HRT vẫn còn nhiều tranh luận và còn nhiều dữ liệu chưa được kiểm định (8).

Vì vậy, quyết định dùng HRT nên dựa trên hoàn cảnh cá nhân mỗi bệnh nhân, và dùng kết hợp với các trị liệu khác để có dùng HRT với liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất.

Tóm lại

  • Triệu chứng tiền mãn kinh ở tuổi 50 có thể kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân và gia đình bệnh nhân
  • Có nhiều lý do gây ra mãn kinh và có nhiều cách chữa trị hiệu quả, nhất là dùng trị liệu hormone. Bênh nhân dùng HRT nên thảo luận kỹ với BS về rủi ro ung thư cũng như bảo vệ ung thư
  • Bênh nhân nên dùng kết hợp nhiều cách như trị liệu thuốc, tập thể dục, dinh dưỡng đều độ cân bằng, và chữa trị dứt các bệnh mãn tính khác để có cách chữa trị tiền mãn kinh hiệu quả nhất.

BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ

  1. https://www.jabfm.org/content/22/5/563
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1764641/3. https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/195120
  3. https://www.breastcancer.org/research-news/hrt-and-its-effect-on-bc-risk
  4. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menopause/in-depth/hormone-replacement-therapy/art-20047550
  5. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menopause/diagnosis-treatment/drc-20353401
  6. https://www.menopause.org/docs/default-source/2017/nams-2017-hormone-therapy-position-statement.pdf
  7. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6780820/

www.chjem.com cải biên xem thêm giải độc gan